Xây dựng nông thôn mới là gì?
Xây dựng nông thôn mới (NTM) là chủ trương lớn của Đảng, là chương trình mục tiêu quốc gia của Chính phủ, có ý nghĩa quan trọng cả trước mắt cũng như lâu dài.
Phát biểu tại Hội nghị về những định hướng quy hoạch xây dựng nông thôn mới gắn với quá trình đô thị hoá trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn nhấn mạnh: công tác quy hoạch xây dựng nông thôn gắn với quá trình đô thị hóa là định hướng xuyên suốt trong xây dựng và phát triển nông thôn giai đoạn 2021-2025, đến năm 2030 theo mục tiêu của Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022; Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Những năm qua, các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan liên quan đã nghiêm túc thực hiện và triển khai nhiều giải pháp thiết thực, tạo chuyển biến lớn và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác lập, quản lý quy hoạch NTM, xây dựng NTM. Diện mạo nông thôn thay đổi và khởi sắc rất rõ.
Tuy nhiên, tại từng địa phương, triển khai quy hoạch còn hạn chế, đặc biệt là việc bảo vệ, phát huy không gian kiến trúc truyền thống, bảo vệ di tích văn hóa lịch sử. Hơn nữa, tốc độ đô thị hóa nhanh đã ảnh hưởng không nhỏ đến các vùng ven đô, vùng nông thôn, dẫn đến sự thay đổi về xã hội, văn hoá, lối sống ở nông thôn, và nhanh chóng tác động đến các vấn đề xây dựng. Để khắc phục những hạn chế vừa nêu, một trong những giải pháp được nhiều địa phương triển khai là nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức (CBCC) quản lý nhà nước về quy hoạch nông thôn cấp huyện xã, đáp ứng mục tiêu xây dựng NTM. Đây được coi là đội ngũ nòng cốt trong tổ chức thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM nói chung và thực hiện công tác quản lý nhà nước về quy hoạch nông thôn cấp huyện, xã nói riêng. Việc đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ CBCC huyện, xã về quy hoạch NTM là việc làm cấp thiết và cũng đã được các địa phương đặc biệt quan tâm trong nhiều năm qua.
Tham luận của TS. Trần Hữu Hà – Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (Bộ Xây dựng) cũng nêu bật tầm quan trọng của việc hoàn thiện thể chế, chính sách bồi dưỡng CBCC huyện, xã đáp ứng yêu cầu xây dựng NTM. Trên cơ sở các quy định của Chính phủ và Bộ Nội vụ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng, ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành và có chế độ khuyến khích CBCC xã nâng cao trình độ, năng lực công tác để đáp ứng trực tiếp yêu cầu, nhiệm vụ trong từng lĩnh vực được phân công. Đồng thời, cần xây dựng kế hoạch, đề án đào tạo, bồi dưỡng CBCC xã, bảo đảm đáp ứng đủ tiêu chuẩn CBCC cấp xã theo quy định tại Thông tư số 13/2019/TT-BNV ngày 06/11/2019 của Bộ Nội vụ.
Theo TS.Trần Hữu Hà, cần có quy định và hướng dẫn xây dựng các chương trình, tài liệu bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm, kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý cấp xã phù hợp. Nội dung chương trình, tài liệu bảo đảm kết hợp giữa lý luận và thực tiễn, tránh trùng lắp với các chương trình, tài liệu khác và phải bổ sung, cập nhật phù hợp tình hình thực tế; chú ý bồi dưỡng kỹ năng giải quyết các tình huống thực tế. Đặc biệt, đối với CBCC xã là người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, miền núi thuộc các đối tượng đặc thù cần có chương trình bồi dưỡng thích hợp, hiệu quả. Cần quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chuẩn của đội ngũ giảng viên tham gia bồi dưỡng đội ngũ CBCC; quy định cụ thể cơ chế đánh giá hiệu quả công tác bồi dưỡng CBCC sau mỗi khóa bồi dưỡng…
Reviews
There are no reviews yet.